Đào tạo trực tuyến: ‘Chắp thêm cánh cho học tập suốt đời’
Trong bối cảnh công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, các chương trình đào tạo trực tuyến của các trường đại học đang nổi lên như một giải pháp học tập mang những ưu thế và hiệu quả vượt trội.
Trong quá trình học tập bổ sung kiến thức, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho công việc, người học có xu hướng chọn lựa những giải pháp học tập không chỉ đảm bảo chất lượng, mà còn phải thuận tiện, linh hoạt về thời gian và địa điểm.
Tại Việt Nam, nhiều trường đại học liên tục đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các chương trình đào tạo trực tuyến, áp dụng công nghệ tiên tiến, giúp cho hàng ngàn sinh viên tiếp cận được với tri thức xóa bỏ giới hạn về thời gian và không gian, chinh phục những ước mơ làm việc trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Tiến sĩ Phan Thị Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo trực tuyến Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh dành cho VOH cuộc phỏng vấn liên quan đến nội dung này.
* VOH: Thưa bà, đặc điểm nổi bật của đào tạo trực tuyến là gì?
Tiến sĩ Phan Thị Ngọc Thanh: Một đặc điểm nổi bật của đào tạo trực tuyến là người học, người giảng dạy sử dụng các trang thiết bị như: máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng….kết nối internet và truy cập vào hệ thống quản lý học tập. Như vậy, đặc điểm nổi bật là nó tạo được sự linh hoạt, người học có thể học bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.
* VOH: Thưa bà, kết quả học trực tuyến so với kết quả học truyền thống, liệu chúng ta có thể so sánh?
Tiến sĩ Phan Thị Ngọc Thanh: Trong một đơn vị giáo dục một trường đại học sử dụng cùng một chương trình đào tạo, tùy theo đối tượng người học mà sử dụng phương thức cho nó phù hợp. Khi học tập trực tuyến, người học không có phần tương tác trực tiếp với giảng viên như trên lớp học truyền thống. Cho nên, tất cả các phần thiết kế hướng dẫn đòi hỏi phải cụ thể. Do đó đòi hỏi nhà trường phải có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, về hệ thống quản lý học tập (như phần mềm LMS), phần nội dung phải cô động, phù hợp với đối tượng người học. Nhà trường cũng có thể sử dụng phương thức đào tạo trực tuyến, không chỉ riêng cho đào tạo từ xa mà có thể áp dụng cho cả sinh viên hệ chính quy.
Một đặc điểm ưu việt của học online, đó là tất cả các hoạt động của giảng viên, người học khi thực hiện trên hệ thống quản lý học tập sẽ được lưu dấu. Cốt lõi nhất, là những phần thiết kế đó, những hoạt động học tập, đánh giá nó đảm bảo được mục tiêu của chương trình đào tạo, và phải tương thích với mục tiêu chung của chương trình đào tạo.
* VOH: Thưa bà, một vấn đề đặt ra là hình thức thi, kiểm tra, đánh giá môn học được thực hiện bằng hình thức trực tuyến hay trực tiếp?
Tiến sĩ Phan Thị Ngọc Thanh: Hiện trên thế giới, cũng có một số trường triển khai học trực tuyến hoàn toàn, phần đánh giá thi cử cũng thực hiện trực tuyến. Đó là nhờ sự hỗ trợ từ phía công nghệ. Chúng ta có những phần mềm, giải pháp công nghệ, ví dụ có thể kiểm tra võng mạc mắt, kiểm tra vân tay, bật chế độ webcam 360 độ….Cũng có một số trường yêu cầu sinh viên đến trường để thi. Trong bối cảnh của Việt Nam, hiện tại phần điểm quá trình tích lũy thông qua nhiều hoạt động thì sinh viên làm trực tuyến – như ở Trường chúng tôi, phần thi kết thúc môn học vẫn phải thi trực tiếp tại Trường hoặc tại các đơn vị liên kết của Trường.
* VOH: Vậy, theo bà, đó có phải là hạn chế của đào tạo trực tuyến?
Tiến sĩ Phan Thị Ngọc Thanh: Mình nghĩ nó chưa hẳn là hạn chế, bởi vì nó cũng có những ưu điểm của nó. Suy cho cùng, con người chúng ta khi đi học cũng cần có những tương tác. Môi trường ảo dù giống như thật như thế nào thì cũng không bằng chúng ta gặp nhau, mặt đối mặt. Điều kiện để thi cuối kỳ cũng là dịp để cho sinh viên gặp gỡ với nhau, đến trường gặp được các thầy cô. Đặc biệt, đối với việc cấp văn bằng như là chương trình cử nhân thì đó là điểm chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng.
* VOH: Thưa bà, với xu thế phát triển của hình thức đào tạo trực tuyến, thì quan niệm về học tập suốt đời có gì thay đổi gì trong bối cảnh này hay không?
Tiến sĩ Phan Thị Ngọc Thanh: Trước đây, đào tạo mở, đào tạo từ xa có lịch sử ra đời từ rất lâu, nó khởi nguồn từ Đại học Mở Anh quốc, sau đó lan ra các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, giai đoạn những năm đầu của thập niên 90, Chính phủ cũng đã ký thành lập hai trường ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội (nay là Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Mở Hà Nội), hai trường này mang sứ mệnh là góp phần thúc đẩy xã hội học tập phát triển. Việc học tập suốt đời không chỉ riêng là nhiệm vụ của hai trường này mà là của toàn xã hội. Khi xã hội phát triển, nhu cầu học tập suốt đời càng nâng cao. Trước đây, thay vì đến lớp theo học các lớp từ xa bằng nhiều phương thức khác nhau như học theo thư tín, phát học liệu cho người học tự học ở nhà, hoặc học qua đài truyền hình, đài phát thanh, học qua cầu truyền hình…và giờ là học trực tuyến. Khi học trực tuyến, người ta có thể linh hoạt hơn, người học có thể học bất cứ lúc nào. Tôi nghĩ rằng, phương thức đào tạo trực tuyến ra đời, nó giúp nâng tầm khả năng tiếp cận tri thức đa dạng và tiện lợi hơn cho người học. Như vậy, nó hỗ trợ tốt hơn cho nhu cầu học tập suốt đời của mỗi người. Trong bối cảnh phát triển khoa học công nghệ, chúng ta cần cập nhật, nâng cao các kỹ năng thường xuyên, bởi vì cuộc sống thay đổi mỗi ngày.
Nguồn: Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM