Báo cáo chuyên đề và trao đổi kinh nghiệm về đào tạo trực tuyến với học giả đến từ Trường Đại học Quốc Gia Hàn Quốc (KNOU)

Chương trình đã diễn ra thành công tốt đẹp vào chiều ngày 13/9/2022 tại cơ sở Võ Văn Tần. Chương trình được tổ chức bởi Trung tâm Đào tạo trực tuyến – Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến kết hợp.

Chương trình có sự tham gia của báo cáo viên là học giả trao đổi từ Hiệp hội các trường đại học mở châu Á – Giáo sư Kwang Sik Chung đến từ Trường Đại học Mở Quốc gia Hàn Quốc (KNOU). Ông là chuyên gia trong lĩnh vực khoa học máy tính, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Và báo cáo viên của Trung tâm Đào tạo trực tuyến là Tiến sĩ Phan Thị Ngọc Thanh – Giám đốc Trung tâm. Ngoài ra, chương trình còn có sự tham dự của thầy Hứa Văn Đức – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo từ xa, thầy Hồ Đặng Tường Nguyên – Phó Phòng Đảm bảo chất lượng, thầy Lê Văn Phong (khoa Kinh tế – Quản lý Công), cô Phan Ngọc Thùy Như (khoa Tài chính – Ngân hàng), cùng với các giảng viên từ các khoa chuyên môn, và các phòng ban từ trung tâm.

Trường Đại học Mở Hồ Chí Minh và Trường Đại học Mở Quốc gia Hàn Quốc trong buổi báo cáo chuyên đề và trao đổi kinh nghiệm

Mở đầu chương trình, giáo sư đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu quý báu về khái niệm “smart-learning” – học tập trên nền tảng điện thoại thông minh để có thể truyền tải nội dung bài giảng một cách tối ưu nhất. Ngài Kwang Sik Chung nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phát triển các nội dung giáo dục trực tuyến trên điện thoại thông minh bởi ngày nay điện thoại thông minh gần như đã trở thành một phần trong cuộc sống của nhiều người. Tại buổi trao đổi, giáo sư cũng đưa ra mô hình nghiên cứu “Suspension Prevention System” nhằm giảm tỷ lệ sinh viên thôi học đồng thời đưa ra những nhận định và hướng đi cho các nghiên cứu trong tương lai.

Giáo sư Kwang Sik Chung chia sẻ tại buổi trao đổi.

Mô hình “Suspension Prevention System”.

Trong phần hỏi và đáp, giáo sư Kwang Sik Chung cũng chia sẻ về những khó khăn gặp phải khi thực hiện nghiên cứu. Ông cho biết ngoài vấn đề chi phí, thu thập thông tin từ học viên là một trong những thách thức lớn nhất, bởi lẽ người dân Hàn Quốc khá cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin cá nhân. Ngoài ra, khi được hỏi về những yếu tố quan trọng để phát triển đào tạo trực tuyến trong tương lai, giáo sư đã nhấn mạnh về tầm nhìn của người lãnh đạo, đó chính là yếu tố quyết định để đưa chương trình trực tuyến của đại học Mở vươn lên hàng đầu.

Thầy Hứa Văn Đức đặt câu hỏi về những nhân tố quan trọng để phát triển đào tạo trực tuyến trong tương lai.

Tiếp nối chương trình, Tiến sĩ Phan Thị Ngọc Thanh đã báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học với đề tài “Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của người học đối với các khóa học trực tuyến ngắn hạn và đề xuất phát triển MOOCs tại Việt Nam”. Cô cho biết những yếu tố như nội dung video bài giảng, thiết kế khóa học và trang web, hoạt động giảng dạy và tương tác giữa các sinh viên có tác động tích cực đến sự hài lòng của sinh viên khi tham gia khóa học. Từ đó, cô nhấn mạnh vai trò của giảng viên cần phải có giàu kinh nghiệm để nâng cao chất lượng nội dung giảng dạy, chú trọng tăng cường sự tương tác giữa các sinh viên cũng như mong muốn sử dụng các dữ liệu của sinh viên khóa trước để tối ưu hóa MOOCs.

TS. Phan Thị Ngọc Thanh – Giám đốc Trung tâm Đào tạo trực tuyến trình bày kết quả nghiên cứu.

Buổi trao đổi là cơ hội để hai trường hợp tác và trao đổi thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức nhằm phát triển chương trình đào tạo trực tuyến và đem lại nhiều kết quả tích cực trong tương lai.